Phong Trào Dân Chủ: Nên Mừng Hay Nên Lo??

Bài Viết Đăng Nhập vào: Friday, October 06, 2006

<< Trở Lại Trang Đầu

Đào Minh Tri
Tâm Thức Việt Nam


Trước sự xuất hiện ồn ào của các cá nhân, tổ chức, đảng phái những lúc gần đây ở trong nước, đã tạo nên một hiện tượng sôi động ở môi trường hải ngoại, những hiện tượng nổi đình, nổi đám này ở trong nước đã được những người hoạt động chính trị ở hải ngoại gọi chung là "phong trào dân chủ quốc nội" để rồi từ đó đã có những nhận định được đưa ra bởi chính những người này cùng với kết luận rằng:

đảng cộng sản Việt Nam (CSVN) đang ở thế suy yếu nhất, đây chính là thời điểm thuận lợi nhất để cho các tổ chức, đảng phái, "xuất hiện công khai" tại Việt Nam, hình thành một liên minh để chống lại CSVN. Trong khi đó thì đại đa số quần chúng Việt Nam vẫn chưa có được một phương tiện tìm hiểu tối thiểu nào về sự xuất hiện của các cá nhân và những tổ chức nêu trên, và họ cũng chưa có nhận thức được rằng tình hình chính trị Việt Nam đang xoay chiều theo mục tiêu diễn biến hòa bình do chính phủ Mỹ chủ trương, với kết quả là CSVN đã chấp nhận đầu hàng Mỹ và đang tìm đường thoát xác để tiếp tục nắm lấy quyền lực.

Những nhận định chủ quan của các nhà chính trị hải ngoại được dựa vào ba yếu tố sau đây:

Thứ nhất: đảng CSVN đang ở vào giai đoạn phân hóa trầm trọng, từ trung ương đến địa phương, với các cuộc đấu đá để tranh dành quyền lực lẫn nhau. Bằng chứng cho các việc này là những vụ án tham nhũng lớn lao đã được khui ra để hạ bệ phe đối phương. Ở thượng tầng lãnh đạo thì chia ra hai phe, một bên chủ trương thân Mỹ và các quốc gia Tây phương, phe còn lại với chủ trương cực đoan giáo điều rập khuôn mẫu Trung Quốc.

Thứ hai: CSVN đang bị áp lực nặng nề của quốc tế do bởi các cuộc đàn áp tự do tôn giáo, các vi phạm về nhân quyền đang bị thế giới lên án.

Thứ ba: Sự xuất hiện công khai của các cá nhân bất đồng quan điểm với chính quyền CSVN, các tổ chức, đảng phái có chủ trương đấu tranh cho mục tiêu dân chủ tại quốc nội.

Qua ba yếu tố trên, các chính trị gia hải ngoại đã đưa đến kết luận là CSVN đang phải đối đầu với các áp lực dồn dập đến từ mọi phía, và đang ở vào thế suy yếu nhất, có thể dẫn đến sự sụp đổ của chế độ. Thực tế của vấn đề này ra sao? Cục diện Việt Nam có thực sự đáng lạc quan như những gì mà quần chúng đã được nghe các vị này đi khắp nơi để thuyết trình, cũng như đã loan truyền trên các phương tiện truyền thông hay không? Muốn vậy, hãy thử so sánh tình hình Việt Nam trong bối cảnh hiện tại, và Việt Nam ở vào thập niên 80, để có thể đi đến một kết luận chính xác hơn về sự mạnh yếu của chế độ CSVN hiện nay như thế nào, đồng thời cũng để so sánh về tương quan lực lượng giữa đôi các lực lượng đấu tranh và CSVN. Trước hết, nói về sự phân hóa trầm trọng của CSVN từ thượng tầng lãnh đạo, đây là sự thật không thể nào phủ nhận. Nhưng đây cũng chính là đặc tính bất di bất dịch của bất cứ chế độ cộng sản nào, từ Âu sang Á. Các cuộc thanh trừng, hạ bệ lẫn nhau của các lãnh tụ cộng sản Liên Xô trong quá khứ, các âm mưu sát hại đồng chí mình để giữ vững quyền lực độc tôn của Mao Trạch Đông, lãnh tụ đảng cộng sản Trung Quốc, đã là những hậu quả tất yếu của các chế độ độc tài đảng trị CSVN cũng không tránh khỏi cái vòng hệ lụy này, từ Hồ Chí Minh cho đến các lãnh tụ sau này.

Điển hình nhất là việc Hồ Chí Minh đã cho tay em ám sát Lâm Đức Thụ, một thủ túc đắc lực cũng là một cố vấn cho Hồ Chí Minh khi ông này còn bôn tẩu ở Trung Hoa, với một lý do rất đơn giản là vì Hồ Chí Minh sợ Lâm Đức Thụ tranh quyền với mình, chỉ vì Lâm Đức Thụ biết quá rõ về con người thật của Hồ Chí Minh. Đến đầu thập niên 70 sau khi Hồ Chí Minh chết, thì Lê Duẫn đã liên kết với Lê Đức Thọ để thao túng đảng cộng sản, triệt hạ những người có tư tưởng xét lại, đưa đến kết quả là có hàng loạt các đảng viên ngồi tù do bởi chính các đồng chí của mình ký quyết định. Sau này là hiện tượng Đỗ Mười và Lê Đức Anh, hai nhân vật bảo thủ, giáo điều cũng đã liên kết với nhau để bảo vệ ngôi vị của mình và kiểm soát hệ thống guồng máy đảng, dẫn đến vụ án tổng cục 2 đã có lần khiến dư luận hồ hỡi tưởng rằng CSVN sẽ sụp đổ qua cuộc tranh quyền khốc liệt này. Tóm lạị thì việc phân hóa trong các chế độ cộng sản là việc tất yếu của guồng máy độc tài, ở bất cứ thời điểm nào, chế độ cộng sản còn tồn tại sự phân hóa vẫn còn tiếp diễn. Nhưng sự phân hóa trên thượng tầng CSVN không có nghĩa là chế độ này đang suy yếu để có thể dẫn đến sụp đổ, các lãnh tụ CSVN vì quyền lợi cá nhân dẫn đến các cuộc thanh trừng hạ bệ nhau, gây phân hóa nội bộ, nhưng họ cũng có thừa khôn ngoan để cũng cố và bảo vệ đảng, vì chỉ có đảng mới đem lại đặc quyền đặc lợi cho họ, mất đảng là mất tất cả. Xem ra yếu tố gọi là suy yếu do phân hóa của CSVN không lấy gì làm sáng sủa cho lắm.

Cái gọi là áp lực quốc tế đang đè nặng lên chế độ CSVN hiện nay, thực ra cũng chỉ là các nghị quyết về nhân quyền, về vấn đề tự do tôn giáo, mang nặng tính biểu kiến, do nghị viện Âu Châu và chính phủ Mỹ ban hành để buộc CSVN phải tôn trọng về nhân quyền, tôn trọng tự do tôn giáo, mà chế độ này đang vi phạm trắng trợn. Nhưng ở một mặt khác thì chính phủ Mỹ vẫn xem Việt Nam là một đối tác kinh tế, và đang xem lại quy chế mậu dịch bình thường vĩnh viễn (PNTR) dành cho Việt Nam, cũng như đang có khuynh hướng giúp đỡ Việt Nam vào tổ chức mậu dịch thế giới (WTO). Bên cạnh đó thì các nhà tư bản Mỹ và phương Tây vẫn tiếp tục đổ tiền vào Việt Nam cho mục đích đầu tư sinh lợi. Nếu so sánh thời điểm hiện nay của Việt Nam với thời điểm thập niên 80 thì rõ ràng CSVN đang ở vào thế mạnh hơn lúc nào hết. Vào năm 1979, sau khi CSVN xua quân xâm chiếm Kampuchia đã tạo nên một gánh nặng khổng lồ cho Việt Nam, qua các kinh phí về quân sự để duy trì đạo quân chiếm đóng lên đến gần 200.000 ngàn người. Ngay sau đó, CSVN lại phải lao đầu vào một cuộc chiến tranh biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, gây thiệt hại về nhân mạng và vật chất khủng khiếp cho cả hai phía. Bên cạnh đó, thì hậu quả cuộc xâm lăng Kampuchia đưa đến việc chính phủ Mỹ ban hành lệnh cấm vận Việt Nam, cùng với các cô lập về ngoại giao và kinh tế của thế giới đã khiến cho nền kinh tế Xã Hội Chủ Nghĩa của Việt Nam vốn đã èo uột, đi đến chổ hoàn toàn phá sản, người dân Việt Nam lâm vào hoàn cảnh đen tối với nạn thiếu hụt lương thực trầm trọng. Sau cùng thì CSVN đã thoát hiểm với chính sách "đổi mới" để tự cứu đảng. So sánh và đối chiếu thực tế như trên để thấy rằng các áp lực quốc tế hiện nay đối với CSVN, không thể nào so sánh với thập niên 80 mà CSVN đã gánh chịu. Vậy thì, yếu tố áp lực quốc tế cũng đã không mang lại kết quả mong muốn như đã được chứng minh như trên.

Sau cùng, nói về sự "xuất hiện công khai" của các cá nhân, tổ chức, đảng phái, được gọi là "phong trào dân chủ quốc nội." Điểm khôi hài đáng chú ý ở đây là nhóm chữ "xuất hiện công khai" đã xuất hiện tức là đã công khai rồi, một khi đang còn hoạt động trong vòng bí mật thì làm sao được gọi là xuất hiện để mà công khai! Ở ngay điểm khởi đầu mà đã có sự lẫn lộn ngớ ngẫn như trên, thì làm sao quần chúng có thể tin tuởng được vào khả năng điều hướng của các tổ chức, đảng phái này. Thế mà lại có những đảng phái chính trị thời cơ ở hải ngoại lại ra sức cổ võ cho việc "xuất hiện công khai" với hy vọng sẽ tạo điều kiện tiếp cận, tạo thế kết hợp liên minh trong ngoài, cho dù chưa một lần biết rõ thực chất cũng như các sinh hoạt của các " phong trào dân chủ quốc nội " ra sao! Mới đây, với việc ra đời của đảng Thăng Tiến Việt Nam (TTVN) cùng với một bản cương lĩnh "tạm thời" và việc kết nạp đảng viên một cách ô hợp, không qua quá trình thử thách, trắc nghiệm, tìm hiểu tiểu sử bản thân. Nhưng quan trọng hơn cả, không biết ai là thành phần lãnh đạo của đảng TTVN, ngoại trừ một vài thành viên tự xưng là thành viên sáng lập (?) Có lẽ vì vội vã xuất hiện công khai cho kịp với thời gian để hiện diện trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị đón tiếp các nguyên thủ thế giới qua cuộc hợp thượng đỉnh APEC tại Hà Nội sắp tới đây, các người chủ trương đảng TTVN đã quên rằng, họ đang đấu tranh với một chính quyền độc tài với khả năng dùng bạo lực để trấn áp, kể cả thủ tiêu đối thủ chính trị, chứ không phải là tranh đấu nghị trường trong một quốc gia với nền chính trị ổn định. Nhận thức yếu kém về chính trị của đảng TTVN đã quá rõ ràng, không mong gì làm cho đảng CSVN suy yếu đi chút nào. Ngược lại, đảng CSVN sẽ cho người tham gia và lũng đoạn đảng TTVN nếu xét thấy cần thiết theo phương thức đa số, qua việc tuyển mộ đảng viên một cách ô hợp không qua giai đoạn chuẩn bị.

Qua sự xuất hiện của Tập Hợp Thanh Niên Dân Chủ (THTNDC) và đảng TTVN mới đây, các đảng phái chính trị thời cơ sinh hoạt ở hải ngoại vốn đã bế tắc phương thức đấu tranh (nhận xét của bác sĩ Nguyễn Xuân Ngãi) nay vội vã xoay chiều ôm chầm lấy, công kênh THTNDC và đảng TTVN như là một đầu cầu gạch nối để tiến về quốc nội, chấp nhận đầu hàng CSVN qua ngõ đại biểu quốc hội, chấp nhận ngồi nhìn CSVN thoát xác với đầy đủ các quyền hành pháp trong tay trong một chính quyền được quốc tế công nhận là "đa nguyên đa đảng." Quả thật, nếu điều này xảy ra thì cái gọi là "phong trào dân chủ" đáng lo hơn đáng mừng.

posted by Lien Mang Viet San @ 10/06/2006 04:06:00 PM  

<< Trở Lại Trang Đầu

 

Liên Kết

BLOGGER

 

Bạn là người thứ  

Ghé Thăm LMVS